Tranh luận về đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn, thành lập doanh nghiệp

Đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất cho người 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp vì người đủ 16 tuổi không còn là trẻ em, có quyền lao động, song đại biểu Đồng Ngọc Ba lại nói “phải hết sức cân nhắc”.

Sáng 20/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Tham gia góp ý, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị sửa đổi thêm một nội dung trong Luật Doanh nghiệp đó là độ tuổi cá nhân được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Hiện nay, quy định của Luật Doanh nghiệp yêu cầu cá nhân phải đủ từ 18 tuổi trở lên mới được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị hạ độ tuổi này xuống 16 tuổi, tức là 16 tuổi sẽ được quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Tranh luận về đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn, thành lập doanh nghiệp- Ảnh 1.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Ảnh: Media Quốc hội).

Lý giải cho đề xuất này, ông Hiếu cho biết, hệ thống luật pháp hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, 16 tuổi trở lên thì không còn là trẻ em nữa. Xét về độ tuổi lao động, hiện quy định đủ 15 tuổi trở lên đã có quyền lao động.

Còn về năng lực, hành vi dân sự thì người chưa đủ 18 tuổi chưa có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Dân sự. Nhưng khoản 4 Điều 21 đã quy đinh ''người từ đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và bất động sản phải đăng ký''.

"Như vậy, những người đủ từ mình 15 tuổi trở lên có tiền thì họ hoàn toàn đã có quyền tự mình nhân danh và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự", ông Hiếu nói.

Đề xuất doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, phải "hết sức cân nhắc" về đề xuất đề xuất mở rộng quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp của người chưa thành niên.

Ông Ba cho rằng, Luật Doanh nghiệp hàng chục năm qua từng bước hoàn thiện quy định về quyền gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân.

"Với cá nhân, chúng ta phân biệt rất rõ 3 quyền: quyền thành lập; quyền quản lý hay quản trị, tham gia vào bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp; quyền góp vốn. Đối với quyền thành lập và quyền quản trị thì đòi hỏi người phải trưởng thành, phải có những điều kiện kể cả về mặt nhận thức cũng như về mặt tư cách đạo đức, các điều kiện khác có liên quan để chống các xung đột lợi ích", ông Ba nói.

Tranh luận về đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn, thành lập doanh nghiệp- Ảnh 2.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Ảnh: Media Quốc hội).

Điều 17, khoản 2 của Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phân biệt rất rõ quyền thành lập, quản lý, góp vốn của các chủ thể. Theo ông Ba, luật từ lâu đã không cấm việc góp vốn vào doanh nghiệp, ai có tài sản đều có thể góp vốn.

Một số đối tượng bị cấm thành lập, tham gia, góp vốn nhằm để tránh xung đột lợi ích, như: Cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Một số luật cũng cấm cán bộ, công chức tham gia doanh nghiệp như Luật Cán bộ công chức, Luật Phòng chống tham nhũng…

"Còn quy định về quyền góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thu hút mọi nguồn lực phát triển. Có thể ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất quyền cho người 16 tuổi là quyền tham gia thành lập doanh nghiệp. Đề nghị cân nhắc việc này", ông Ba nói và lưu ý rằng một doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều giao dịch thì người chưa thành niên tham gia thì cần xem xét.

Hậu kiểm doanh nghiệp không phải việc kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ

Tham gia phát biểu ý kiến về kiểm soát gian lận vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) tán thành cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo là không yêu cầu thêm các điều kiện hay hồ sơ trong quá trình đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tức không tiền kiểm đối với vấn đề này.

Chi thực tiễn Luật Doanh nghiệp gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, thuận tiện, dễ dàng là một trong những quy định vô cùng quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân. Song song đó, cơ quan Nhà nước tăng cường hậu kiểm những trường hợp có nghi ngờ về việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Tranh luận về đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn, thành lập doanh nghiệp- Ảnh 3.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Ảnh: Media Quốc hội).

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro chứ không phải là kiểm tra tùy tiện, tùy hứng của cán bộ, gây mất thời gian của doanh nghiệp và dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

"Cơ quan Nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro, chấm điểm rủi ro và đi kiểm tra doanh nghiệp theo tần suất cao đối với doanh nghiệp rủi ro cao và tần suất thấp hơn đối với doanh nghiệp rủi ro thấp", ông Đồng nói và cho biết, biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro này đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan, những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích, rất hiệu quả.

Ông Đồng cũng cho rằng, hiện cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây là cơ sở rất tốt để triển khai việc chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo rủi ro.