Tổng thống Donald Trump: 'Mỹ muốn sản xuất những thứ lớn lao chứ không phải giày thể thao hay áo phông' - Cơ hội lớn cho Việt Nam với 2 ngành hàng tỷ đô?

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở 2 mặt hàng chủ lực này.

Hôm Chủ nhật (25/5), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, chính sách thuế quan của ông nhằm thúc đẩy sản xuất xe tăng và các sản phẩm công nghệ trong nước, chứ không phải giày thể thao hay áo phông.

Phát biểu với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ Air Force One ở New Jersey, Tổng thống Trump đã nhắc lại bình luận gần đây của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng Mỹ không nhất thiết cần một ngành công nghiệp dệt may bùng nổ - một lập trường đã bị Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia chỉ trích.

"Chúng tôi không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông. Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự. Chúng tôi muốn sản xuất, thực hiện công nghệ AI… Thành thật mà nói, tôi không muốn sản xuất áo phông. Tôi không muốn sản xuất tất. Chúng tôi có thể làm điều đó rất tốt ở những địa điểm khác. Chúng tôi muốn sản xuất chip, máy tính và nhiều thứ khác, xe tăng và tàu chiến", Tổng thống Trump cho biết.

Đáng chú ý, đây đều là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Mỹ và có mức tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 4 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025 mặt hàng này đã mang về hơn 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4T/2025, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng trưởng 17,12% so với cùng kỳ năm 2024. Các hiệp định thương mại tự do cùng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã giúp Việt Nam củng cố vị thế tại thị trường này. 

Dệt may hiện là một trong bốn ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên việc tăng trưởng của ngành dệt may đóng vai trò rất quan trọng trong xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dệt may cũng là ngành có xuất siêu lớn, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động với mức thu nhập ổn định. 

Năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD (tăng 3 - 4 tỷ USD so với năm 2024).

Tồn kho của Mỹ hiện đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý 3/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý 4/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm. Theo dự báo thì nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này có thể bị giảm khoảng 5% trong năm 2025. Cùng với đó, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump: 'Mỹ muốn sản xuất những thứ lớn lao chứ không phải giày thể thao hay áo phông' - Cơ hội lớn cho Việt Nam với 2 ngành hàng tỷ đô?- Ảnh 1.

Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng giày dép các loại của nước ta đạt 2,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, nước ta thu về 7,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm ngoái, góp mặt trong 10 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam.

Xét về thị trường, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này với hơn 2,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới và có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Ngành xuất khẩu da giày Việt Nam năm 2025 được dự báo tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, với mục tiêu đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2024 (26-27 tỷ USD). Là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất (1,4 tỷ đôi/năm) và thứ 2 về xuất khẩu giày dép, Việt Nam đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, và UKVFTA, giúp gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ (36,5%), EU (26%), và Trung Quốc (9%). 

Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra nhiều chính sách mới để khẳng đường lối của mình, cho rằng đây là “cái giá cần thiết để tái thiết nước Mỹ”. Thực tế cho thấy, sau các đợt tăng thuế trong nhiệm kỳ đầu, một số ngành công nghiệp như chip bán dẫn, sản xuất xe điện và quốc phòng đã ghi nhận sự trở lại của dòng vốn đầu tư nội địa, đặc biệt là tại các bang chiến lược như Texas, Ohio và Pennsylvania.

Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chưa lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế. Các lĩnh vực sử dụng lao động giá rẻ như dệt may, đồ da, giày dép phần lớn vẫn dịch chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á. Sự thiếu hụt nhân công có tay nghề và chi phí sản xuất tại Mỹ vẫn là rào cản lớn để hiện thực hóa tham vọng “Made in America” trên diện rộng.