Thị trường nhiều tiềm năng
Thị trường xe máy dành cho học sinh - sinh viên tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chưa từng thấy, khi nhu cầu di chuyển cá nhân ngày càng lớn, trong khi các yếu tố về an toàn, chi phí và tính thân thiện với môi trường trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu. Trong đó, xe máy điện – đặc biệt là các mẫu không cần bằng lái, tốc độ dưới 50 km/h – đang vươn lên thay thế dần xe đạp điện và cả xe máy xăng loại nhỏ vốn đã lỗi thời.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), năm 2024, doanh số xe máy điện trong phân khúc L1 (dưới 50cc) tăng trưởng 52,9%, trái ngược với xu hướng giảm chung của toàn thị trường. Với nhóm khách hàng mục tiêu là học sinh cấp ba và sinh viên - những người lần đầu sở hữu phương tiện cá nhân - đây là phân khúc có dư địa rất lớn.
Cách đây vài năm, phân khúc này gần như nằm gọn trong tay một số mẫu xe máy, xe đạp điện có xuất xứ từ Trung Quốc với đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá tiền, khiến thị trường có phần hỗn loạn. Sau đó, hàng loạt thương hiệu phổ thông như YADEA, DKBike, Pega cũng nhắm đến phân khúc này, mở ra nhiều lựa chọn mới.

Mẫu xe máy điện VinFast Evo Lite Neo hiện có giá 14,4 triệu đồng.
Giờ đây, bức tranh thị trường nhanh chóng thay đổi khi cuộc chơi chứng kiến sự tham gia nghiêm túc của những tên tuổi lớn như VinFast hay Honda. Nếu như các hãng nhỏ chủ yếu tiếp cận thị trường qua đại lý độc lập và tập trung vào giá rẻ, thì VinFast và Honda đang mang đến chiến lược bài bản hơn, từ sản phẩm, truyền thông cho đến hệ sinh thái sạc.
VinFast tăng tốc, Honda dè dặt
VinFast - nhà sản xuất xe điện lớn nhất Việt Nam hiện nay – thực tế đã nhắm vào nhóm học sinh như một hướng đi chiến lược. Từ đầu năm 2024, hãng đã bắt đầu tung ra các dòng xe phù hợp phân khúc này như Evo200, Evo Lite, Feliz S và gần đây là mẫu Motio – chiếc xe được mệnh danh là "xe máy điện phổ thông quốc dân". Tất cả đều có điểm chung: tốc độ tối đa dưới 50 km/h, thiết kế nhỏ gọn phù hợp vóc dáng học sinh, khả năng di chuyển dài (trên 100 km cho mỗi lần sạc) và quan trọng nhất: giá bán cực kỳ cạnh tranh.
Trong đợt điều chỉnh giá mới nhất, Motio được niêm yết chỉ còn 12 triệu đồng – mức thấp nhất trong các dòng xe máy điện thương hiệu lớn. Evo Lite Neo cũng giảm xuống còn 14,4 triệu, trong khi Evo200 – mẫu xe có khả năng di chuyển 205 km sau mỗi lần sạc – giữ giá quanh mức 22 triệu đồng. Đây có thể xem là mức giá cực kỳ hấp hấp dẫn trong bối cảnh nhiều mẫu xe đạp điện không thương hiệu cũng đang được bán với giá tương đương.
Không dừng lại ở sản phẩm, VinFast còn đang chiếm ưu thế nhờ hệ sinh thái sạc phủ rộng khắp với hơn 160.000 cổng sạc toàn quốc – phần lớn trong số đó được đặt tại trường học, nhà chờ xe buýt, bãi xe chung cư hoặc siêu thị. Học sinh vì thế không cần mang pin về nhà sạc như trước, giảm rủi ro và thuận tiện hơn rất nhiều. Cùng với chính sách bảo hành 3 năm, miễn phí đổi pin trong thời gian đầu sử dụng, hãng xe Việt đang tạo ra một "gói giải pháp trọn vẹn" cho học sinh, khiến các đối thủ gặp không ít áp lực.

Honda ra mắt ICON:e với nhiều kỳ vọng, nhắm vào phân khúc xe điện cho học sinh, sinh viên.
Trong khi đó, Honda – ông vua xe máy với khoảng 80% thị phần tại Việt Nam – lại nhập cuộc khá dè dặt. Tháng 4/2025, hãng chính thức tung ra ICON:e – mẫu xe máy điện đầu tiên do Honda sản xuất tại Việt Nam. Với giá khởi điểm 26,9 triệu đồng, ICON:e được kỳ vọng là "câu trả lời" cho VinFast trong phân khúc học sinh. Xe có thiết kế nhỏ gọn, dễ điều khiển, động cơ 1,5kW, tốc độ tối đa 49 km/h và phạm vi di chuyển khoảng 70 km mỗi lần sạc – thông số vừa đủ cho nhu cầu đi học hàng ngày.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Honda dường như chưa đủ mạnh để tạo đột phá. Thay vì bán kèm pin, Honda áp dụng mô hình thuê pin với chi phí 350.000 đồng/tháng – đồng nghĩa người dùng sẽ phải chi thêm khoảng 4,2 triệu đồng mỗi năm chỉ để "mua quyền sử dụng" pin. Với nhóm khách hàng học sinh vốn có ngân sách hạn chế, đây là yếu tố dễ gây cản trở. Chưa kể, phạm vi di chuyển 70 km – thấp hơn nhiều so với các mẫu cùng tầm giá của VinFast – khiến ICON:e gặp bất lợi trong những tình huống phải di chuyển nhiều hơn một ngày mà chưa kịp sạc lại.
Điểm trừ tiếp theo là hệ sinh thái sạc của Honda hiện gần như chưa tồn tại. Việc xe dùng pin tháo rời bắt buộc người dùng phải tự mang về nhà sạc, quay trở lại với bất tiện từng là "nỗi ám ảnh" của người dùng xe điện giai đoạn đầu.
Từ góc độ chiến lược, có thể thấy VinFast đang đi trước một bước khi chọn phân khúc học sinh – sinh viên làm mũi nhọn và đầu tư toàn diện từ sản phẩm đến hậu mãi. Với mục tiêu chiếm 60% thị phần xe máy điện Việt Nam trong năm 2025, hãng xe Việt dồn toàn lực cho các dòng xe phổ thông – nơi quyết định số lượng bán ra. Chiến lược này đang cho thấy hiệu quả khi báo cáo thị trường gần nhất cho thấy VinFast chiếm hơn 45% thị phần xe máy điện toàn quốc – cao nhất trong tất cả các hãng đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngược lại, sự dè chừng của Honda có thể khiến họ lỡ nhịp nếu thị trường tăng trưởng nhanh hơn dự báo. ICON:e là bước khởi đầu, nhưng sẽ cần nhiều hơn nữa nếu Honda muốn thách thức VinFast trong đường đua xe điện, đặc biệt là khi người tiêu dùng trẻ ngày càng ưu tiên công nghệ, trải nghiệm và hệ sinh thái dịch vụ hơn là chỉ "mua một cái xe".

Motio là một lựa chọn giá mềm khác từ VinFast.
Tất nhiên, ai cũng hiểu ICON: e chỉ là bước khởi đầu mang tính "thăm dò" của Honda. Hãng đã lên kế hoạch ra mắt đến 30 mẫu xe máy điện cho đến năm 2030 và chắc chắn còn trong tay nhiều "bài tủ" để sẵn sàng chinh phục thị trường. Thực tế, Honda bị xem là chậm chân trong lĩnh vực xe máy điện nhưng khi vừa ra mắt, các mẫu xe của hãng đã được xem là đối thủ lớn nhất của VinFast trên thị trường – gần như bỏ qua hết các đối thủ còn lại.
Ở thời điểm hiện tại, có thể nói phân khúc xe máy học sinh đang chuyển mình thành cuộc đua dài hơi, nơi giá cả chỉ là một yếu tố – và trải nghiệm tổng thể mới là thứ quyết định chiến thắng. VinFast đã tạo ra thế chủ động vững chắc còn với Honda, người ta đang đặt ra câu hỏi: Hãng sẽ làm gì tiếp theo?