Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án

Cựu Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan khóc, cho biết cảm thấy đau đớn, giày vò khi nhiều thế hệ cán bộ của tỉnh Vĩnh Phúc vướng lao lý; ông Nguyễn Văn Hậu nhận hết trách nhiệm, xin khắc phục triệt để hậu quả,... là điểm đáng chú ý qua phiên xét xử 41 bị cáo phạm tội trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Ngày mai (11/7), TAND TP Hà Nội tuyên án bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) ; ông Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) cùng 39 đồng phạm.

Xuyên suốt phiên xử ghi nhận các bị cáo đều thành khẩn khai báo, họ đồng ý cáo trạng buộc tội, trình bày tình tiết giảm nhẹ mong được hưởng chính sách khoan hồng.

Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy bị giày vò khi nhiều thế hệ quan chức vướng án

Hôm khai mạc phiên tòa, bà Hoàng Thị Thúy Lan mặc chiếc áo màu xanh, được cảnh sát xếp ngồi hàng ghế cùng khoang lái trên xe đặc chủng có cán bộ "áp sát” hai bên.

Khi dẫn giải lên phòng xét xử, khuôn mặt bà tái nhợt, bước đi không vững. Sau thời gian dài tạm giữ, dáng người cựu Bí thư gầy hơn, mái tóc ngả bạc.

Luật sư cho hay, bà Lan mắc một số bệnh như hội chứng ngưng thở, tim, đường ruột. Ông đề nghị tòa cho phép thân chủ của mình được ngồi khi cảm thấy mệt.

Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan bị dẫn giải lên hội trường xét xử.

Trả lời xét hỏi, bà Lan trình bày rành mạch 3 lần nhận hối lộ của Nguyễn Văn Hậu. Trong đó, có dịp Hậu đến nhà chơi cho bà “mượn” 1 triệu USD.

Vì muốn làm rõ khoản tiền là “mượn” hay “nhận hối lộ”, Hội đồng xét xử chất vấn bà Lan hai câu hỏi liên tiếp song bị cáo khai quanh co, cho rằng “chỗ chị em có quan hệ thân thiết với Hậu, lúc nào cần thì bảo Hậu đưa”. Đến khi kiểm sát viên hỏi lại lần 3, nữ Bí thư mới trùng giọng nói “1 triệu USD là khoản tiền nhận sau khi giúp Hậu trúng các gói thầu”.

Bà Lan khóc cho hay, cảm thấy bị đau đớn, giày vò khi nhìn khắp hội trường xét xử có đến nửa số bị cáo là lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc. Từ lãnh đạo sở, ngành đến UBND tỉnh, rất nhiều thế hệ đều vướng án.

“Tôi đề nghị tòa tạo điều kiện giảm nhẹ cho các đồng chí làm sao nhân văn nhất. Cá nhân tôi sức khỏe yếu, tuổi đã cao, khi bị bắt đã bị tai biến đang phải điều trị trong bệnh viện. Mong tòa xem xét, khoan hồng", bà Hoàng Thị Thúy Lan nghẹn giọng.

Viện Kiểm sát nêu quan điểm luận tội đề nghị tòa phạt bà Lan án từ 14 – 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan khi còn đương chức.

Theo Viện Kiểm sát, căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai tại tòa, xác định hành vi của cựu Bí thư đã phạm tội nhận hối lộ với tổng số tiền 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bà Lan cho biết, đã nhận thức rõ tội lỗi, hậu quả và trách nhiệm của mình trước pháp luật. Sai phạm đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, cơ quan nơi từng công tác và cả gia đình.

Các quan chức còn lại như cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành hay cựu Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Vọng; cựu Bí thư Phú Thọ Ngô Đức Vượng; cựu Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, đều xin tòa giảm nhẹ hình phạt.

Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu.

Ông Nguyễn Văn Hậu nhận hết tội

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Hậu nói lời sau cùng bày tỏ quan điểm "đồng tình" mức đề nghị án 30 năm tù của Viện Kiểm sát.

Trả lời xét hỏi trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn khai rành rọt việc “đi quan hệ”, hối lộ cựu quan chức.

Hậu khai tại tỉnh Vĩnh Phúc, bị cáo gặp mặt cựu Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành để xin tách, nhập doanh nghiệp, thực hiện các dự án.

Sau khi được “bật đèn xanh”, Hậu nhiều lần hối lộ. Việc đưa tiền được bị cáo trực tiếp mang đến nhà riêng hoặc nhờ lái xe chở qua Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc... Ngoài hối lộ tiền, Hậu còn đề nghị bà Lan, ông Thành mua các lô đất dự án với giá ưu đãi, hưởng lợi nhuận.

Bên cạnh nhóm cựu quan chức cấp cao của tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Hậu cũng khai đưa cho một số lãnh đạo sở, ngành từ vài trăm triệu hoặc biếu bằng các lô đất.

Tại tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn cho rằng, do thực hiện dự án tại Đền Hùng tâm linh, “cải tạo mộ tổ” nên bị cáo lẫn cựu lãnh đạo tỉnh không thỏa thuận “lợi ích”. Vào dịp lễ tết, Hậu đến gặp mặt, biếu riêng hai cựu Bí thư tỉnh Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh mỗi người một khoản tiền.

Còn tại Quảng Ngãi, quá trình triển khai hai gói thầu vào các năm 2011 – 2013, Hậu trực tiếp thỏa thuận “lại quả” 5% dự án, sau trừ thuế cho nhóm lãnh đạo tỉnh.

Trong vụ án, Nguyễn Văn Hậu còn bị quy thực hiện các vi phạm về đấu thầu dự án để hưởng lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước 459,4 tỷ đồng; bỏ ngoài sổ sách kế toán doanh thu thực để hưởng lợi 504,5 tỷ đồng.

Đối với sai phạm ở lĩnh vực kế toán, bị cáo Hậu khẳng định là người đứng đầu Tập đoàn Phúc Sơn nên chỉ đạo mọi hoạt động. “Các nhân viên của công ty chỉ làm công ăn lương, họ không tư vấn, không giúp sức gì, mọi việc đều do tôi”, ông Hậu nhận trách nhiệm.

Nhìn lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên xét xử vụ Tập đoàn Phúc Sơn trước ngày tòa tuyên án- Ảnh 5.

Nhóm Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Khắc phục toàn bộ hậu quả

Đáng chú ý, suốt phiên xét xử, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn nhiều lần xin tòa “tạo điều kiện” được trao đổi với người thân để thực hiện khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại bị quy kết hơn 1.100 tỷ đồng.

Từ đề nghị của bị cáo Hậu, ngày 3/7, đại diện Tập đoàn Phúc Sơn lập ủy nhiệm chi tại Ngân hàng VietinBank, chuyển 768 tỷ đồng vào tài khoản Cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội.

Theo nội dung ủy nhiệm chi, "số tiền này được Tập đoàn nộp khắc phục thay cho Nguyễn Văn Hậu".

Luật sư Bùi Đình Ứng (bào chữa cho Nguyễn Văn Hậu) cũng thông tin, giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Hậu nộp 84 tỷ đồng; số tài sản bị thu giữ khi khám xét là hơn 94 tỷ đồng (bao gồm 28 tỷ đồng tiền mặt, 501 cây vàng và hơn 316.000 USD). Ngoài ra, thân chủ còn bị phong tỏa nhiều sổ tiết kiệm trị giá 247 tỷ đồng.

Như vậy, với số tiền đã nộp cùng với số tiền, sổ tiết kiệm đang bị phong tỏa, luật sư Ứng cho rằng hậu quả của vụ án "hoàn toàn có thể khắc phục triệt để".

Trước việc khắc phục thêm 768 tỷ đồng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị lại án theo hướng giảm cho Nguyễn Văn Hậu và một số bị cáo. Tuy nhiên, tổng mức án cho 3 tội danh của ông vẫn 30 năm tù.

Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/nhin-lai-nhung-dien-bien-dang-chu-y-tai-phien-xet-xu-vu-tap-doan-phuc-son-truoc-ngay-toa-tuyen-an-a112690.html