CEO PAN: Nông nghiệp Việt Nam từ ngành lạc hậu, thiếu sức hút đã thành “cường quốc”, thu hút loạt ông lớn Sojitz, C.P Group, SMBC, ADB…

Việt Nam, đất nước với hơn 60% dân số sống ở nông thôn và gần 30% lực lượng lao động vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tham gia chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025 tại thủ đô Berlin (Đức), bà Nguyễn Thị Trà My, CEO PAN Group – lần đầu chia sẻ về hành trình của bản thân, của PAN Group và cả ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bắt đầu sự nghiệp từ những năm 1990, khi Việt Nam vừa mở cửa hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, bà My được biết có 18 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Biomin Vietnam, một công ty FDI 100% vốn của Áo.

Từ vai trò Giám đốc Tài chính và Phó Tổng Giám đốc của công ty nước ngoài, bà My đã có bước chuyển đáng chú ý về sự nghiệp khi cùng với ông Nguyễn Duy Hưng đồng sáng lập Tập đoàn PAN.

Nông nghiệp từng bị xem là ngành truyền thống, thiếu sức hút và chậm đổi mới

Việt Nam, đất nước với hơn 60% dân số sống ở nông thôn và gần 30% lực lượng lao động vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù vậy, những ngày đầu PAN lập nghiệp, nông nghiệp bị xem là ngành truyền thống, thiếu sức hút và chậm đổi mới (lạc hậu).

Do đó, thách thức lớn nhất của PAN 15 năm trước không phải là có được một chiến lược hoàn hảo hay hiểu rõ thị trường, mà làm sao để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, đối tác, khách hàng?

Công ty mất nhiều năm sử dụng vốn tự có cho đến những khoản nhận lời rót vốn từ các tổ chức tài chính. Đến nay, khi Việt Nam đã vươn lên trở thành “cường quốc nông nghiệp”, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hạt điều, cà phê và hồ tiêu…; PAN cũng có được nhiều đối tác hậu thuẫn lớn như Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), C.P Group (Thái Lan), phát hành được trái phiếu bảo lãnh bởi CGIF (của ngân hàng ADB) cũng như các các khoản vay từ Standard Chartered hay SMBC….

Hiện, PAN được biết đã phát triển hệ sinh thái gồm 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm. Về kinh doanh, năm 2012 Công ty đạt doanh thu 284 tỷ. Đến năm 2024, doanh thu hợp nhất của PAN đạt hơn 16.184 tỷ đồng, gấp 57 lần. Trong đó, xuất khẩu đóng góp khoảng 50%.

CEO PAN: Nông nghiệp Việt Nam từ ngành lạc hậu, thiếu sức hút đã thành “cường quốc”, thu hút loạt ông lớn Sojitz, C.P Group, SMBC, ADB…- Ảnh 1.

Ảnh: Hệ sinh thái PAN.

Bà Trà My cho biết, nhiều sản phẩm của tập đoàn như gạo đóng gói, cà phê, hạt điều, kẹo, tôm chế biến đã có mặt tại các chuỗi bán lẻ lớn toàn cầu như Costco, Amazon, Walmart, Tesco.

“Gần 50% doanh thu của PAN, tương ứng khoảng 650 triệu USD đến từ xuất khẩu. Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại hơn 40 quốc gia, trong đó 90% doanh thu xuất khẩu tập trung vào 3 thị trường khó tính bậc nhất thế giới: Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ ”, bà nói.

Với kinh nghiệm của mình, bà cho biết khách hàng quốc tế không chỉ đòi hỏi quy mô doanh nghiệp mà còn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao. Cạnh tranh ở những thị trường này buộc doanh nghiệp Việt phải liên tục nâng cấp về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Đơn cử, PAN theo bà My đã đầu tư cả vùng nguyên liệu nuôi tôm của chúng tôi rộng 500 ha, lớn nhất Việt Nam và đã đạt chứng nhận ASC — tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Về nội bộ, PAN cũng tăng cường năng lực đội ngũ và đầu tư mạnh vào R&D để đón đầu xu hướng toàn cầu. Ví dụ, một công ty thành viên trong Tập đoàn được biết đã dành nhiều năm nghiên cứu chính phục thị trường quốc tế với các sản phẩm bánh tươi có thời hạn sử dụng ngắn. Năm ngoái, Bibica tự hào xuất lô hàng bánh sang Walmart Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thứ 18 của công ty.

Thách thức không còn ở tăng trưởng, mà là bài toán chuyển giao

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, khi được hỏi về thách thức lớn nhất hiện nay, bà Mỹ cho biết với PAN không phải là bài toán tăng trưởng, mà là bài toán chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, bà My nhấn mạnh PAN cần đảm bảo rằng thế hệ lãnh đạo kế cận không chỉ hiểu doanh nghiệp, mà còn mang trong mình tinh thần khởi nghiệp, tư duy đổi mới, cam kết phát triển bền vững và khát vọng chuyển đổi số.

"Nhiều lãnh đạo chủ chốt đã gắn bó với PAN suốt hàng chục năm, có người đã 75, 85 tuổi. Câu hỏi lớn là làm thế nào để trao lại ngọn lửa - không chỉ là trách nhiệm, mà là tinh thần?", bà đặt vấn đề.

CEO PAN cho rằng thế hệ kế cận cần vừa hiểu doanh nghiệp, vừa có tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cam kết phát triển bền vững và năng lực chuyển đổi số. "Nếu chúng ta tin tưởng, trao cho thế hệ trẻ cơ hội "nghĩ khác - làm lớn" và dẫn dắt họ với mục tiêu rõ ràng, công ty sẽ không chỉ phát triển, mà còn phát triển bền vững và trường tồn", bà Trà My chia sẻ.

Tập đoàn hiện xây dựng đội ngũ kế cận có tư duy toàn cầu, gắn bó với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Theo lãnh đạo PAN, quá trình chuyển giao thế hệ cần được chuẩn bị bài bản, lộ trình rõ ràng và quan trọng là chọn đúng người để tiếp tục dẫn dắt tổ chức đi xa hơn.

Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/ceo-pan-nong-nghiep-viet-nam-tu-nganh-lac-hau-thieu-suc-hut-da-thanh-cuong-quoc-thu-hut-loat-ong-lon-sojitz-cp-group-smbc-adb-a112414.html