Giá lithium giảm sâu bất chấp nhu cầu tăng cao

Giá Lithium liên tục sụt giảm ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đối với kim loại sản xuất pin này không ngừng tăng cao.

Châu Âu gặp khó trong cuộc đua lithium

Châu Âu đang nỗ lực trở thành hình mẫu toàn cầu về giao thông sạch, nhưng lại phải đối mặt với thách thức lớn là sự phụ thuộc vào nguồn lithium, khoáng chất then chốt cho pin xe điện, vốn đang do Trung Quốc chi phối.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc hiện thống trị 75% thị phần sản xuất pin toàn cầu, kiểm soát 70% công đoạn tinh chế Lithium và đang vươn lên vị trí thứ ba về khai thác, chỉ sau Australia và Chile. Trước thách thức đó, châu Âu đã dựng lên một bộ khung pháp lý, đặt trọng tâm vào ba trụ cột: bảo vệ môi trường bền vững, tạo ra chuỗi giá trị việc làm chất lượng cao và thiết lập quan hệ đối tác công bằng với cộng đồng địa phương. Tính đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết thành công 15 Hiệp định song phương, trong đó có những thỏa thuận quan trọng với Chile và Argentina, hai trong số những quốc gia sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất thế giới.

Giá lithium giảm sâu bất chấp nhu cầu tăng cao

Giá Lithium liên tục sụt giảm ngay cả khi nhu cầu toàn cầu đối với kim loại sản xuất pin này không ngừng tăng cao. Theo nhận định của các nhà sản xuất, đây là một "nghịch lý" đáng thất vọng và khó có thể được giải quyết trước ít nhất là năm 2030.

Từ một kim loại chuyên dụng trong sản xuất chất mỡ bôi trơn, gốm sứ và dược phẩm, lithium đã trở thành thành phần không thể thiếu trong xe điện, hệ thống lưu trữ pin quy mô lớn và các ứng dụng điện tử khác. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Fastmarkets, nhu cầu lithium đã tăng 24% trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng 12% mỗi năm trong 10 năm tới. Tuy nhiên, tình trạng dư cung từ Trung Quốc đã kéo giá kim loại này giảm hơn 90% trong hai năm qua, dẫn đến làn sóng sa thải, các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp và trì hoãn dự án trên toàn cầu.

Ông Paul Lusty - Trưởng bộ phận nghiên cứu nguyên liệu pin, công ty Fastmarkets cho biết: "Các công ty khai thác Trung Quốc đã tích trữ một lượng lớn nguồn cung và tình trạng mất cân bằng thị trường có thể chỉ giảm bớt vào cuối thập kỷ này".

Các chuyên gia khác còn đưa ra khung thời gian dài hơn. Project Blue, một công ty tư vấn khoáng sản khác, dự báo sớm nhất là cho đến năm 2033, nhu cầu lithium sẽ không vượt cung.

Hiện ngành lithium đang tập trung vào nỗ lực cắt giảm chi tiêu. Nhiều dự án lithium, đặc biệt là các dự án sử dụng công nghệ chiết xuất lithium trực tiếp (DLE), đang nỗ lực tối ưu hóa chi phí.

Ông Yann Foucaud - Giám đốc Khoa học, Nhà máy thí điểm Steval, Pháp chia sẻ: "Ngành lithium đang dần định hình ở châu Âu, đặc biệt thông qua việc thành lập các nhà máy sản xuất pin lithium cho xe điện. Để hỗ trợ điều này, việc đảm bảo nguồn cung cấp lithium đáng tin cậy cho các nhà máy - và rộng hơn là cho cả châu Âu - là điều thiết yếu. Đó là lý do tại sao chúng tôi nỗ lực nghiên cứu các quy trình khai thác giá trị từ lithium trong đá cứng".

Công ty EnergyX đã công bố một nghiên cứu cho thấy họ có thể sản xuất kim loại này ở miền Bắc Chile với chi phí vận hành dưới 3.000 USD/tấn. Dù chỉ là ước tính sơ bộ, con số này cho thấy rõ xu hướng toàn ngành đang quyết liệt cắt giảm chi phí.

Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/gia-lithium-giam-sau-bat-chap-nhu-cau-tang-cao-a112034.html