Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt gói thầu ở dự án hơn 17.400 tỷ đồng: Chỉ đạo nóng từ Phó Thủ tướng

Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản về việc kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công thuộc dự án 17.400 tỷ đồng.

Phải làm rõ nhiều nội dung của gói thầu ở Dự án đường bộ cao tốc

Ngày 1/7, Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo cụ thể, rõ ràng và có kiến nghị xử lý tiếp theo về việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Đồng Nai (trước đây là tỉnh Bình Phước), báo Thanh Niên đưa tin.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài chính trước đó đã có báo cáo kiểm tra, nhưng chưa đưa ra kết luận cuối cùng về tính phù hợp của việc loại nhà thầu có mức giá chào thầu thấp nhất.

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính làm rõ một số vấn đề trọng tâm liên quan đến gói thầu thi công dự án cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng này.

Thứ nhất, cần có nhận xét, đánh giá về việc Hồ sơ mời thầu điện tử (E-HSMT) đã đảm bảo đúng quy định, đặc biệt là các yêu cầu về chào ký hiệu, mã hiệu, nhãn mác (nếu có), xuất xứ của vật tư, thiết bị chính, và tiêu chuẩn đánh giá năng lực thiết bị có phù hợp với hướng dẫn hay không.

Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ quá trình đánh giá Hồ sơ dự thầu điện tử (E-HSDT) của các nhà thầu do Tổ chuyên gia và Chủ đầu tư thực hiện có bảo đảm đúng theo yêu cầu của E-HSMT hay không.

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt gói thầu ở dự án hơn 17.400 tỷ đồng: Chỉ đạo nóng từ Phó Thủ tướng- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước cũ. Ảnh: Báo NLĐ

Thứ ba, Bộ Tài chính cần nhận xét, đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, số lượng và yêu cầu đối với thành viên Tổ chuyên gia theo quy định của pháp luật về đấu thầu, không chỉ dựa vào yêu cầu về chứng chỉ.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị có nhận xét, đánh giá cụ thể về kết quả đánh giá E-HSDT, thẩm định và trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, Bộ Tài chính phải đưa ra kiến nghị cụ thể, rõ ràng đối với hướng xử lý tiếp theo của gói thầu này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai (trước đây là UBND tỉnh Bình Phước) để hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/7.

Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính và phản hồi của địa phương 

Trước đó, ngày 24/6, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ sau khi kiểm tra quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây lắp Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước cũ. Bộ đánh giá việc yêu cầu áp dụng mô hình BIM (Mô hình thông tin công trình) trong giai đoạn thi công là phù hợp với định hướng chuyển đổi số. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lưu ý rằng chủ đầu tư cần có trách nhiệm xây dựng tiêu chí đánh giá liên quan đến BIM một cách rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu để tránh gây hiểu nhầm cho các bên dự thầu.

Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra lại việc đánh giá của tổ chuyên gia, xem xét mức độ phù hợp với hồ sơ mời thầu và các đề xuất kỹ thuật từ các nhà thầu. Cơ quan này cho biết việc đánh giá cần dựa trên các quy định pháp luật liên quan và tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên ngành. 

Do đó, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính chưa đủ căn cứ để đưa ra kết luận liệu việc loại nhà thầu có hoàn toàn phù hợp hay không. Về tổ chuyên gia, Bộ xác nhận cả ba thành viên đều có chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước cũ nghiên cứu toàn diện các nội dung liên quan, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn nhà thầu và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định này.

Đến ngày 27/6, UBND tỉnh Bình Phước cũ đã có văn bản trả lời kiến nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – đơn vị đã bị loại dù đưa ra mức giá chào thầu thấp nhất (732,2 tỷ đồng). 

UBND tỉnh này khẳng định chủ đầu tư và tổ chuyên gia đấu thầu đã đánh giá E-HSDT của Sơn Hải không đạt là phù hợp với quy định. Đặc biệt, việc áp dụng BIM và đánh giá Tập đoàn Sơn Hải không đáp ứng các tiêu chí về BIM và yêu cầu về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu được cho là đúng quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 24/NĐ-CP năm 2024. Cơ quan này cũng phủ nhận thông tin kiến nghị của Tập đoàn Sơn Hải về chứng chỉ hành nghề Tổ trưởng tổ chuyên gia.

Tập đoàn Sơn Hải từng kiến nghị gì ở dự án này?

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt gói thầu ở dự án hơn 17.400 tỷ đồng: Chỉ đạo nóng từ Phó Thủ tướng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Viết Hải hiện là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh: Sơn Hải

Trong đơn gửi UBND tỉnh Bình Phước cũ hồi cuối tháng 5, Tập đoàn Sơn Hải – một trong năm đơn vị tham gia dự thầu – cho biết mình là nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đã trúng thầu và thi công nhiều dự án cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia. 

Đơn vị này cũng khẳng định đã đáp ứng đầy đủ về mặt kỹ thuật và cam kết bảo hành 10 năm, tiết kiệm chi phí duy tu, sửa chữa cho nhà nước trong quá trình khai thác. Việc bị loại dù đưa ra giá chào thầu thấp nhất đã khiến Tập đoàn Sơn Hải không đồng ý và gửi đơn kiến nghị yêu cầu xem xét lại quá trình chấm thầu.

 (Tổng hợp)

Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/vu-tap-doan-son-hai-truot-goi-thau-o-du-an-hon-17400-ty-dong-chi-dao-nong-tu-pho-thu-tuong-a111672.html