Dồn dập loạt dự án hạ tầng triển khai, 'mở đường' cho bất động sản Thái Bình bứt phá

Thái Bình đang đứng trước ngã rẽ lịch sử với những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng và quy hoạch. Từ một “vùng trũng” của thị trường bất động sản, tỉnh này đang vươn mình trở thành điểm đến đầy triển vọng nhờ vào các dự án giao thông chiến lược và kế hoạch sáp nhập với Hưng Yên.

Thái Bình tập trung phát triển cao tốc, sân bay, cảng biển

Tại lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết “muốn làm giàu, phát triển công nghiệp thì phải làm đường”, trong khi tại Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là tỉnh khó khăn nhất về giao thông.

Để thoát “thế” hạn chế về hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt về công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình cần chủ động, quyết liệt triển khai đầu tư cho hạ tầng chiến lược.

Theo đó, đối với dự án trọng điểm cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian, phấn đấu vượt tiến độ dự án cao tốc qua Nam Định - Thái Bình ít nhất 6 tháng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026, đưa tuyến đường vào khai thác càng sớm thì tỉnh Thái Bình có lợi, vùng Đồng bằng sông Hồng có lợi.

Bởi, tuyến đường cao tốc ven biển sẽ giúp Thái Bình và các tỉnh lân cận tiếp cận nhanh chóng với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, kết nối với các sân bay quốc tế Cát Bi và Vân Đồn; từ đó mở lối đưa hàng hóa từ các KCN ra quốc tế.

Đặc biệt, trong tháng 12/2025, khi dự án đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được khởi công, tuyến đường cao tốc ven biển sẽ góp phần kết nối tỉnh Thái Bình cùng các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thông qua thành phố Hải Phòng, kết nối với Trung Quốc. Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.

Dồn dập loạt dự án hạ tầng triển khai, 'mở đường' cho bất động sản Thái Bình bứt phá- Ảnh 1.

Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, làm ngay tuyến đường thẳng nhất với quy mô 10 làn từ khu vực TP. Hưng Yên tới khu vực TP. Thái Bình, từ đó kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Đồng thời yêu cầu tỉnh Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để phát triển công nghiệp, xây dựng sân bay, cảng biển…

Có thể nói, chưa bao giờ hạ tầng kết nối của Thái Bình được quan tâm và thúc đẩy triển khai như giai đoạn hiện nay. Khi trục hành lang kinh tế ven biển hoàn thiện, kết hợp với trục Hưng Yên - Thái Bình, những công trình này sẽ đưa Thái Bình vào mạng lưới giao thông quốc gia hiện đại, tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, những công trình hạ tầng này không chỉ cải thiện khả năng kết nối mà còn tạo khí thế khẩn trương, “mở đường” cho thị trường bất động sản Thái Bình. Từng bị hạn chế bởi hạ tầng, Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.

Bất động sản Thái Bình hừng hực khí thế mới

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản Thái Bình thường được xem là “vùng trũng” do thiếu các dự án hạ tầng lớn và sự phát triển kinh tế công nghiệp chưa đồng đều. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực về hạ tầng và quy hoạch, Thái Bình đang dần lột xác, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như TP. Thái Bình, huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

Các dự án hạ tầng giao thông không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là tại khu vực kinh tế biển như Tiền Hải và Thái Thụy. Hai khu vực này với dự án Khu kinh tế biển quy mô hơn 30.000ha, đang thu hút nhiều dự án công nghiệp lớn nhờ vào vị trí gần cảng biển và các tuyến giao thông mới. Trong khi đó, TP. Thái Bình đang trở thành trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ, với nhu cầu về nhà ở, văn phòng và các khu đô thị hiện đại ngày càng tăng.

Theo kế hoạch dự kiến, việc sáp nhập với Hưng Yên sẽ mang lại lợi ích kép cho thị trường bất động sản Thái Bình. Hưng Yên là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, với nhiều khu công nghiệp lớn như Phố Nối A, Phố Nối B. Sự kết hợp với Hưng Yên sẽ tạo ra một hệ quy chiếu mới, mở rộng không gian phát triển và nâng cao giá trị bất động sản của Thái Bình.

Dồn dập loạt dự án hạ tầng triển khai, 'mở đường' cho bất động sản Thái Bình bứt phá- Ảnh 2.

Từ “vùng trũng”, Thái Bình đang đứng trước ngã rẽ lịch sử với những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, quy hoạch

Hiện nay, giá đất tại Thái Bình vẫn đang ở mức thấp so với các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên hay Quảng Ninh, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đón đầu xu hướng tăng giá trong tương lai. Đặc biệt, các phân khúc như bất động sản công nghiệp, khu đô thị tích hợp và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang được đánh giá cao về tiềm năng sinh lời.

Cụ thể, giá đất thổ cư tại Thái Bình dao động từ 5 - 26 triệu đồng/m², tùy thuộc vào khu vực. Tại TP. Thái Bình, giá đất mặt tiền các tuyến đường lớn như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo 80-120 triệu đồng. Tại các khu vực ngoại thành như huyện Tiền Hải, giá đất tại khu đô thị Trái Diêm hoặc gần Khu công nghiệp Tiền Hải khoảng 26 triệu đồng/m²

Còn như tại Hưng Yên, đặc biệt ở các khu vực gần Hà Nội và khu công nghiệp như huyện Văn Giang, giá đất mặt tiền các tuyến đường lớn, gần các đại đô thị lớn, lên tới 150 triệu đồng/m². Tại Yên Mỹ, Mỹ Hào, giá đất trung bình từ 40 - 60 triệu đồng/m², cao hơn nhiều so với các huyện tại Thái Bình.

Có thể nói, Thái Bình đang đứng trước ngã rẽ lịch sử với những thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, quy hoạch. Từ một “vùng trũng” của thị trường bất động sản, tỉnh này đang vươn mình trở thành điểm đến đầy triển vọng nhờ vào các dự án giao thông chiến lược và kế hoạch sáp nhập với Hưng Yên. Đây hứa hẹn sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư nhạy bén trong giai đoạn phát triển mới của vùng “quê lúa”.

Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/don-dap-loat-du-an-ha-tang-trien-khai-mo-duong-cho-bat-dong-san-thai-binh-but-pha-a106262.html