“89% môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, gần 60% chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo chính quy nào là đáng báo động”

Đó là nhấn mạnh của ông Trần Bảo Huy – Giám đốc học viện Eagle Academy. Theo ông Huy, gần 60% môi giới chưa từng tham gia bất kì khoá đào tạo chính quy nào, cho thấy khoảng trống lớn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cơ bản trong nghề, từ đó tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng và thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt học viện Eagle Academy – được xem là đơn vị tiên phong trong việc thiết lập một hệ sinh thái đào tạo toàn diện, bài bản và thực tiễn dành riêng cho ngành bất động sản tại Việt Nam, ông Trần Bảo Huy – Giám đốc học viện Eagle Academy nêu ra thực trạng đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực ngành bất động sản hiện nay.

“89% môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, gần 60% chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo chính quy nào là đáng báo động”- Ảnh 1.

Ông Trần Bảo Huy – Giám đốc học viện Eagle Academy. Ảnh: Hạ Vy

Theo ông Huy, hiện nay có đến 60% môi giới được tuyển dụng vào nghề nhưng không được đào tạo chính thức trước khi bắt đầu công việc. Khảo sát của Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS.IRE) - Hội môi giới Bất động sản Việt Nam năm 2025 chỉ ra, có đến 89% nhà môi giới chưa có Chứng chỉ hành nghề hoặc Chứng chỉ đã hết hiệu lực.

Điều này có nghĩa là hầu hết lực lượng môi giới đang hoạt động trong tình trạng pháp lý thiếu hụt, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng và thị trường. Trong số đó, 51,8% chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo chính quy nào, cho thấy khoảng trống lớn về kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cơ bản.

"Đây là bức tranh đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Nếu không có một hệ sinh thái đào tạo bài bản và nghiêm túc, thì ngay cả khi thị trường phục hồi, chúng ta vẫn sẽ thiếu lực lượng đủ năng lực để đáp ứng các chuẩn mực chuyên nghiệp và phát triển bền vững. Đó cũng chính là lý do Eagle Academy được thành lập để góp phần trong việc chuẩn hóa và nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực ngành bất động sản Việt Nam", ông Huy nhấn mạnh.

Giám đốc Eagle Academy cho rằng, môi giới hiện nay không chỉ học cách bán hàng, mà còn học cách tư vấn, xây dựng hệ thống khách hàng và sử dụng công cụ công nghệ. Riêng với khách hàng ngày nay, họ cần người tư vấn giải pháp tài sản chứ không đơn thuần là người bán sản phẩm. Họ kỳ vọng môi giới có thể phân tích tài chính cá nhân, so sánh sản phẩm, đánh giá pháp lý, và quan trọng nhất là hành xử minh bạch, có trách nhiệm. 

Thế nhưng rất tiếc, phần lớn thị trường vẫn còn chạy theo tâm lý bán nhanh – chốt nhanh – hoa hồng ngắn hạn. Eagle Academy muốn thay đổi điều đó: Đào tạo một thế hệ môi giới có tư duy dài hạn, làm việc có hệ thống, có đạo đức hành nghề và có cam kết xây dựng uy tín cá nhân.

Ông Huy cho rằng, tồn tại lớn nhất trong vấn đề nguồn nhân lực ngành bất động sản là thiếu một khung chuẩn nghề nghiệp toàn ngành và hệ thống đào tạo được công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức. Mỗi đơn vị đào tạo đang đi một hướng riêng khiến cho chất lượng không đồng đều, thiếu chuẩn chung để nhà tuyển dụng tin tưởng và thị trường đánh giá.

“89% môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, gần 60% chưa từng tham gia bất kỳ khóa đào tạo chính quy nào là đáng báo động”- Ảnh 2.

Môi giới hiện nay không chỉ học cách bán hàng, mà còn học cách tư vấn, xây dựng hệ thống khách hàng và sử dụng công cụ công nghệ. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, thị trường bất động sản trải qua biến động và thanh lọc, trong đó không ít môi giới đã rời thị trường. Theo ông Huy, việc thanh lọc là tất yếu và tích cực. Nó giúp thị trường bớt "nhiễu", loại bỏ những người chỉ xem nghề môi giới là "đi ngang kiếm thêm". Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là sự thiếu hụt môi trường đào tạo chuyên sâu, gắn với từng giai đoạn nghề nghiệp – từ nhân viên mới, chuyên viên tư vấn, đến quản lý đội nhóm và nhà đầu tư.

Vị này cho rằng, một thị trường phát triển bền vững cần ba nền tảng: Nhân lực chất lượng – dữ liệu minh bạch – chính sách ổn định. Theo đó, vai trò của tổ chức nguồn nhân lực bất động sản là không thể phủ nhận. Tổ chức đào tạo chính là "xương sống" trong công cuộc chuẩn hóa thị trường. Nhưng không phải đào tạo nào cũng tạo ra chuyển đổi thực chất. Yếu tố quan trọng nhất, là kết hợp giữa lý thuyết hiện đại, thực hành sâu sát và đào tạo liên tục. Mỗi môi giới phải được cá nhân hóa lộ trình phát triển nghề nghiệp, không thể học theo kiểu "đồng phục hóa kiến thức".

"Ngành bất động sản không thiếu người vào nghề, mà đang thiếu những người được đào tạo đúng cách để phát triển sự nghiệp một cách chuyên nghiệp và bền vững. Thị trường bất động sản Việt Nam đang thiếu những trung tâm học thuật – nghiên cứu – tư vấn chính sách độc lập, có khả năng phản biện và kết nối quốc tế"", Giám đốc Eagle Academy nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ tại sự kiện, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam khẳng định, trong giai đoạn tới không chỉ cần người làm nghề giỏi chuyên môn mà còn cần một đội ngũ được chuẩn hóa về kỹ năng, đạo đức và khả năng ứng dụng công nghệ. Việc nâng chuẩn lực lượng môi giới sẽ là bước quan trọng trong tiến trình chuyên nghiệp hóa toàn ngành.

Ở góc nhìn kinh tế vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, bất động sản là một trong những nền tảng trọng yếu để xây dựng nên một nền kinh tế phát triển bền vững. Việc đầu tư vào đào tạo ngay từ lúc này chính là bước đi chiến lược để tránh việc biến cơ hội thành thách thức.

"Chúng ta đang bước vào một giai đoạn quan trọng, khi nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội trỗi dậy và chuyển mình mạnh mẽ. Và để không "biến cơ hội thành thách thức" cần phải xây dựng kinh tế bền vững, một nền tảng phát triển ổn định, mà bất động sản chính là một trong những trụ cột thiết yếu. Quan trọng nhất, cần xác định rõ nhu cầu của thị trường và từ đó xây dựng những chương trình đào tạo thực tiễn, bài bản để góp phần tạo ra lực đẩy mới cho sự phát triển ổn định và dài hạn của ngành bất động sản", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.


Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/89-moi-gioi-chua-co-chung-chi-hanh-nghe-gan-60-chua-tung-tham-gia-bat-ky-khoa-dao-tao-chinh-quy-nao-la-dang-bao-dong-a105872.html