Phí làm sổ đỏ tăng thế nào khi sáp nhập tỉnh thành và thay đổi bảng giá đất hàng năm?

Từ ngày 1/1/2026 bảng giá đất mới tại các tỉnh, thành sẽ được cập nhật hàng năm thay gì 5 năm 1 lần như trước đây có thể khiến các chi phí khi làm sổ đỏ có thể tăng đáng kể.

Theo Luật đấi đai 2024, kể từ 1/1/2026, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành bảng giá đất mới căn cứ trên giá trị thực tế. Khoản 1 Điều 257 quy định bảng giá đất hiện hành tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Từ sau mốc thời gian này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất mới để công bố, áp dụng từ ngày 1/1/2026. Cùng với đó, bảng giá đất sẽ được cập nhật, điều chỉnh hằng năm để phù hợp với biến động giá đất trên thị trường (Khoản 3, Điều 159).

Việc xác định bảng giá đất theo phương pháp mới giúp giá đất tiệm cận với thị trường, minh bạch hơn trong tính toán nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí làm sổ đỏ lần đầu của người dân - vốn tính theo bảng giá đất có thể tăng mạnh.

Trong các khoản tiền phải nộp khi đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu có các khoản tiền được tính theo giá đất trên bảng giá đất như: Tiền sử dụng đất; tiền thuê đất (nếu có); lệ phí trước bạ. Trong đó, khoản tiền sử dụng đất là khoản tiền nhiều nhất (tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ không phải nộp).

Việc chậm trễ làm sổ đỏ có thể khiến người dân phải chịu mức giá đất cao hơn khi bảng giá mới có hiệu lực, làm tăng đáng kể nghĩa vụ tài chính.

Trước những thay đổi đáng kể về chính sách, luật sư khuyến nghị người dân nên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trước thời điểm 1/1/2026 để tránh phát sinh chi phí cao. Đối với những trường hợp gặp vướng mắc về hồ sơ, có thể liên hệ cơ quan tài nguyên môi trường hoặc tìm đến các đơn vị tư vấn pháp lý để được hỗ trợ, đảm bảo tiến độ giải quyết trước khi bảng giá mới được áp dụng.

Ngoài ra, nhiều người thắc mắc, sau sáp nhập hồ sơ đất đai của người dân sẽ được giải quyết ở đâu?Theo Quyết định 629/QĐ-BNNMT 2025, các thủ tục hành chính về đất đai cấp huyện được thực hiện bởi các cơ quan như: UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện (nếu có).

Theo đó, việc bỏ cấp huyện không làm thay đổi các thủ tục về đất đai mà chỉ thay đổi về thẩm quyền hoặc thời gian thực hiện. Người dân có thể thực hiện tại các cơ quan thay thế như Văn phòng, chi nhánh đăng ký đất đai, UBND xã hoặc các cơ quan khác. Các cơ quan thay thế giúp đảm bảo tính liên tục trong công tác quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn trong quá trình giải quyết các yêu cầu của người dân.

Sau sáp nhập, người dân không bắt buộc phải thay đổi giấy tờ cá nhân. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận tiện trong giao dịch và các thủ tục hành chính sau này, Bộ Công an khuyến khích người dân cập nhật thông tin theo địa giới hành chính mới. Việc thay đổi này hoàn toàn miễn phí trong một số trường hợp, đặc biệt là với các thông tin liên quan đến giấy khai sinh như nơi sinh, quê quán.


Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/phi-lam-so-do-tang-the-nao-khi-sap-nhap-tinh-thanh-va-thay-doi-bang-gia-dat-hang-nam-a105102.html