Sụp đổ khi biết bị vô sinh
Điều trị vô sinh hiếm muộn là một hành trình dài và tốn kém chi phí, đã có nhiều cặp vợ chồng không chỉ đối mặt với những áp lực tinh thần mà còn mang trên vai gánh nặng tài chính khi các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay vẫn chưa nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế.
Những hoàn cảnh như vợ chồng anh Phùng Văn Ba (người dân tộc Mường, SN 1991) và chị H Dla Buôn Ya (người dân tộc Ê đê, sinh năm 1996) tại Phú Thọ lại càng gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm con.
Kết hôn từ năm 2016, anh Ba và chị H Dla Buôn Ya đặt trọn niềm tin vào một tương lai tươi sáng, nơi có tiếng cười trẻ thơ vang trong ngôi nhà nhỏ.
Thế nhưng, năm này qua năm khác, niềm mong mỏi con yêu vẫn chưa thành hiện thực. Không lâu sau đó, họ cùng nhau đi khám và được bác sĩ kết luận nguyên nhân chậm con là do người chồng bị vô sinh nam. Giây phút đó, mọi thứ như sụp đổ trước mắt người đàn ông với những áp lực vô hình.
Người phụ nữ đau lòng khi bị nói "không biết đẻ".
Trong khi anh Ba chìm trong nỗi mặc cảm không thể làm tròn trách nhiệm của người con trai duy nhất gánh trên vai áp lực sinh con để "nối dõi tông đường" thì chị H Dla Buôn Ya cũng phải chịu lời nói gièm pha, ác ý từ những người xung quanh.
"Thấy em chưa có con, có người nói trực tiếp với em là không bằng một con bò, bò đẻ mấy lứa rồi mà em không đẻ được đứa nào", chị kể lại.
Đã có lúc đôi vợ chồng trẻ nghĩ đến chuyện buông tay, để mỗi người đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng rồi chính tình yêu và sự thấu hiểu từ gia đình chồng, nhất là bố mẹ chồng đã giúp chị vượt qua.
Bố mẹ chồng hiểu được nguyên nhân từ con trai và càng thương con dâu hơn, luôn động viên con vững vàng tâm lý.
Uống thuốc một thời gian dài vẫn không có tiến triển, anh Ba được bác sĩ chỉ định can thiệp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thời điểm đấy đối với anh chị chi phí điều trị quá lớn so với khả năng tài chính nên họ đành gác lại mong muốn tìm con.
Cứ ngỡ hành trình tìm con khép lại, thì năm 2022, đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và được nhận hỗ trợ từ chương trình "Tuần lễ vàng – ươm mầm hạnh phúc" của bệnh viện - nơi hỗ trợ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt.
Khăn gói xuống Hà Nội thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh Ba có tinh trùng nhưng bị tắc ống dẫn tinh, tỉ lệ thành công cao nếu làm IVF.
"Nhờ làm hồ sơ xét duyệt, vợ chồng tôi được hỗ trợ chi phí điều trị. Lúc đó, cảm giác như vớ được chiếc phao cứu sinh ", người đàn ông xúc động chia sẻ.
Tháng 10/2022, chị Ya chuyển phôi. Hai tuần sau, bác sĩ thông báo tin vui đậu thai thành công. Một tuần tiếp theo, hình ảnh siêu âm cho thấy hai phôi thai đang phát triển khỏe mạnh, đây là thành quả ngọt ngào sau 7 năm ròng rã tìm con.
50% số ca mắc vô sinh ở độ tuổi dưới 30
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc ở độ tuổi dưới 30.
Cứ 100 người trong độ tuổi sinh sản, thì có đến 7-8 người đang phải đối mặt với tình trạng vô sinh hiếm muộn.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để bước chân vào hành trình điều trị - một hành trình vừa dài lại vừa tốn kém chi phí.
Một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có chi phí từ 70 đến 100 triệu đồng, chưa kể chi phí xét nghiệm, chi phí thuốc và các can thiệp kỹ thuật khác. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các cặp đôi phải hoàn toàn tự chi trả.
Theo Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thực tế thăm khám các bác sĩ nhận thấy những áp lực tài chính, tâm lý e ngại và thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản khiến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc thăm khám, bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị vô sinh hiếm muộn.
Với vợ chồng anh Ba và chị Ya, hành trình tìm con đã khép lại bằng tiếng khóc chào đời của hai thiên thần nhỏ. Thế nhưng với nhiều cặp đôi khác, niềm hy vọng ấy vẫn đang nhen nhóm, chờ được tiếp sức.
Link nội dung: https://www.thegioitiepthivietnam.com/chong-vo-sinh-vo-bi-noi-khong-bang-con-bo-va-cai-ket-bat-ngo-a104747.html