Mỹ, Nhật Bản tăng cường đưa cả triệu tấn hàng quan trọng về Việt Nam với giá cực rẻ: Thuế nhập khẩu lên tới 3%, đưa nước ta trở thành ông trùm khu vực ASEAN

Nhật Bản và Mỹ đều đang tăng cường đưa mặt hàng này đến Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phế liệu sắt thép của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 655.819 tấn, trị giá hơn 200 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 17,7% về trị giá so với tháng liền trước. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, cả nước nhập khẩu 2,04 triệu tấn phế liệu sắt thép với trị giá 644,87 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và giảm 0,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân nhập khẩu phế liệu sắt thép 4T/2025 đạt 315,8 USD/tấn, giảm gần 17,6% so với cùng kỳ năm.

Xét về thị trường nhập khẩu, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phế liệu sắt thép cho Việt Nam trong 4T/2025, chiếm 55,21% thị phần, đạt hơn 1,12 triệu tấn, tương đương 380,48 triệu USD, tăng mạnh 31,1% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân đạt 337,49 USD/tấn, giảm gần 17% so với 4 tháng đầu năm 2024.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2 ở mặt hàng phế liệu sắt thép, đạt 188.806 tấn, tương đương 58,07 triệu USD, chiếm 9,25% thị phần nhập khẩu phế liệu sắt thép của cả nước - tăng 29.6% về lượng và tăng 4,89% về kim ngạch. Giá trung bình 307,5 USD/tấn, giảm 19,1% về giá so với 4T/2024.

Mỹ, Nhật Bản tăng cường đưa cả triệu tấn hàng quan trọng về Việt Nam với giá cực rẻ: Thuế nhập khẩu lên tới 3%, đưa nước ta trở thành ông trùm khu vực ASEAN- Ảnh 1.

Vị trí thứ 3 thuộc về Australia với 151,22 tấn phế liệu sắt thép nhập khẩu, trị giá 52,39 triệu USD, tăng 28,14% về lượng và 7,48% về kim ngạch. Giá trung bình 346,4 USD/tấn, giảm 16,1%.

Được biết, phế liệu sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam nhằm phục vụ cho tái chế và sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Việc sử dụng phế liệu sắt thép giúp tiết kiệm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng, đồng thời hạn chế tác động đến môi trường.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ những loại phế liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, không chứa tạp chất nguy hại, không chứa chất thải công nghiệp, phóng xạ hoặc các thành phần gây ô nhiễm mới được phép nhập khẩu và đưa vào sản xuất. Trước khi thông quan, lô hàng phải trải qua quy trình kiểm tra, giám định nghiêm ngặt về chất lượng và mức độ an toàn đối với môi trường.

Danh mục phế liệu sắt, thép, gang được nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm Phế liệu và mảnh vụn của gang đúc (mã HS 7204 10 00); phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Bằng thép không gỉ (mã HS 7204 21 00); phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Loại khác (mã HS 7204 29 00); phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc (mã HS 7204 30 00); phế liệu và mảnh vụn khác: Phoi tiện, phoi bào, mảnh vỡ, vảy cán, mạt cưa, mạt giũa, phoi cắt và bavia, đã hoặc chưa được ép thành khối hoặc đóng thành kiện, bánh, bó (mã HS 7204 41 00); phế liệu và mảnh vụn khác: Loại khác (mã HS 7204 49 00).

Mỹ là một trong những nguồn cung cấp phế liệu sắt thép quan trọng cho Việt Nam. Hiện, Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định thương mại tự do song phương, nên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thường áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi.

Do đó, mức thuế suất nhập khẩu đối với phế liệu sắt thép bao gồm các mã như HS 72041000, HS 72044100 và HS 72044900 vào khoảng 3% đối với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi, các mã HS còn lại sẽ ở mức 0%.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Việt Nam đứng thứ 12 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN với tổng sản lượng thép thành phẩm năm 2024 đạt khoảng 29,44 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2023. Bước sang năm 2025, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép năm 2025 dự báo đạt lần lượt đạt 32,9 triệu tấn (tăng 12%) và 32,5 triệu tấn (tăng 11%) so với năm 2024.