Hơn một thập kỷ của Grab tại Việt Nam, 5 lần thay tướng, 3 CEO người Việt

Từ “người mở đường” Nguyễn Tuấn Anh đến tân CEO Mã Tuấn Trọng, Grab Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển mình dưới sự dẫn dắt của các đời lãnh đạo, phản ánh rõ chiến lược thích ứng và mở rộng tại một trong những thị trường trọng điểm của hãng.

Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2013, Grab đã trải qua nhiều lần chuyển giao vị trí điều hành cấp cao. Mỗi đời CEO không chỉ mang phong cách lãnh đạo khác nhau, mà còn gắn liền với những giai đoạn thăng trầm về doanh thu và lợi nhuận tại một trong những thị trường trọng điểm của siêu ứng dụng Đông Nam Á này.

Ảnh 1: Nguyễn Tuấn Anh (2013 - 2017): Người mở đường cho Grab tại Việt Nam

Ông Nguyễn Tuấn Anh được xem là "công thần" trong hành trình khai phá thị trường Việt Nam của Grab. Gia nhập tập đoàn từ tháng 11/2013, ông Tuấn Anh giữ vai trò là người sáng lập và dẫn dắt đội ngũ Grab Việt Nam trong giai đoạn sơ khai.

Thời điểm đó, Grab đặt mục tiêu tiến vào thị trường mới nổi như Việt Nam và cần một người bản địa am hiểu công nghệ, hành vi người dùng và có tinh thần mạo hiểm. Ông Tuấn Anh chính là người được lựa chọn để "mở lối".

Trong giai đoạn từ cuối năm 2013 đến tháng 10/2017, ông là người đứng sau loạt cột mốc quan trọng: thành lập văn phòng đại diện, xây dựng đội ngũ đầu tiên và lần lượt ra mắt các dịch vụ chiến lược như GrabTaxi, GrabBike và GrabCar – những nền móng quan trọng đưa Grab trở thành siêu ứng dụng tại thị trường Việt Nam sau này.

Không chỉ dừng lại ở vận hành dịch vụ, ông Tuấn Anh cũng là người góp phần thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Grab và Moca, mở đường cho dịch vụ thanh toán không tiền mặt trên nền tảng này – một bước đi đón đầu xu hướng chuyển đổi số trong tiêu dùng.

Trong giai đoạn đầu này, hoạt động kinh doanh Grab còn nhỏ lẻ, mang tính thử nghiệm để chiếm lĩnh thị phần. Theo báo cáo kinh doanh, năm 2014, Grab Việt Nam đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng nhưng lỗ 51,7 tỷ đồng. Đến năm 2017, doanh thu tăng vọt lên 758 tỷ đồng nhưng khoản lỗ cũng mở rộng theo, lên 788 tỷ đồng. Mức lỗ luỹ kế đến thời điểm này đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng, phản ánh chiến lược tăng trưởng nóng và đầu tư mạnh vào thị phần qua khuyến mãi và marketing.

Sau khi kết thúc vai trò vận hành vào cuối năm 2017, ông Tuấn Anh tiếp tục đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Grab Financial Group Việt Nam – mảng dịch vụ tài chính của tập đoàn – cho đến tháng 2/2020. Trong khoảng thời gian này, Grab dần chuyển hướng từ nền tảng gọi xe đơn thuần sang hệ sinh thái tài chính số, với ví điện tử, thanh toán QR và giải pháp cho vay tiêu dùng.

Ảnh 2: Infographic CEO Grab qua từng thời kỳ

Ảnh 3: Jerry Lim (2016 - 2020) mở rộng địa bàn, đa dạng dịch vụ

Ông Jerry Lim đảm nhiệm vai trò Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam từ tháng 6/2016. Trước đó, ông từng có một năm rưỡi giữ vị trí tương tự tại Grab Singapore – một trong những thị trường khởi nguồn quan trọng nhất của tập đoàn. Khi sang Việt Nam, ông tiếp nhận Grab trong bối cảnh công ty mới chỉ triển khai được hai dịch vụ chính là GrabTaxi và GrabBike, đồng thời mới nhận giấy phép thí điểm dịch vụ GrabCar trong thời hạn 3 tháng tại Hà Nội và TP HCM.

Dưới sự điều hành của ông Jerry Lim, Grab Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng quy mô mạnh mẽ. Ông là người mở rộng mạng lưới hoạt động của Grab ra tới 43 tỉnh, thành trên cả nước, đưa ứng dụng này trở thành nền tảng gọi xe công nghệ phủ rộng nhất tại Việt Nam thời điểm đó. Không chỉ dừng lại ở gọi xe, ông cũng là người đứng sau việc ra mắt dịch vụ GrabFood – mảnh ghép quan trọng giúp Grab chuyển hướng thành siêu ứng dụng đa dịch vụ.

Giai đoạn ông Jerry Lim điều hành cũng là lúc Grab bắt đầu ghi nhận các bước tiến về doanh thu, dù thua lỗ vẫn kéo dài.

Năm 2018, doanh thu Grab Việt Nam đạt 2.194 tỷ đồng, sau đó tăng lên 3.382 tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ lần lượt 884 tỷ đồng và 1.697 tỷ đồng trong hai năm này. Lỗ lũy kế tính đến cuối 2019 vượt mốc 4.000 tỷ đồng – hệ quả từ chiến lược đầu tư mạnh vào thị phần qua khuyến mãi và quảng cáo.

Ảnh 4: Nguyễn Thái Hải Vân (2019-2022) nữ CEO đầu tiên, chèo lái Grab qua đại dịch

 

Tháng 11/2019, bà Nguyễn Thái Hải Vân – cựu Phó Chủ tịch Marketing của Unilever Việt Nam – được bổ nhiệm làm CEO Grab Việt Nam.

Tại Grab, bà Hải Vân tiếp quản vị trí điều hành đúng vào thời điểm đặc biệt khó khăn: đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh các lệnh giãn cách và hạn chế di chuyển được áp dụng nghiêm ngặt, đặc biệt tại Việt Nam vào năm 2021, hoạt động kinh doanh cốt lõi như GrabBike và GrabCar gần như tê liệt trong nhiều tháng. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của bà, Grab Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động dịch vụ thiết yếu như GrabMart, GrabFood và thanh toán không tiền mặt, giúp giữ chân khách hàng và tài xế trong giai đoạn khó khăn nhất.

Theo báo cáo tài chính của Grab Holdings, năm 2021 tập đoàn mẹ lỗ tổng cộng 3,4 tỷ USD – mức lỗ cao nhất kể từ khi thành lập – trong đó quý IV/2021 ghi nhận lỗ ròng hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của CEO Hải Vân, Grab Việt Nam kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh 2020. Nhờ đó, năm 2020 là lần đầu Grab Việt Nam báo lãi sau thuế với con số 243 tỷ đồng.

Đến năm 2021, Grab lại quay lại thua lỗ với âm 301 tỷ đồng, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 329 tỷ đồng – năm thứ hai có lãi trong gần một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam.

Tháng 4/2022, Grab xác nhận bà Hải Vân sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc Điều hành. Trong thông báo chính thức, công ty đánh giá cao vai trò của bà trong việc dẫn dắt Grab Việt Nam vượt qua giai đoạn bất ổn chưa từng có.

"Bà Hải Vân đã lãnh đạo Grab Việt Nam vượt qua giai đoạn đại dịch COVID-19 nhiều bất ổn và thử thách, dẫn dắt hoạt động kinh doanh đạt được những tăng trưởng ấn tượng", đại diện Grab chia sẻ.

Việc bà rời đi diễn ra trong thời điểm Grab đang tái cơ cấu vận hành để tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả tài chính sau nhiều năm tăng trưởng nóng. Người kế nhiệm bà Hải Vân khi đó chưa được công bố chính thức, và vị trí điều hành tạm thời được Jerry Lim – cựu CEO Grab Việt Nam – đảm nhận lại trong vài tháng trước khi Alejandro Osorio tiếp quản.

Ảnh 5: Infographic một thập kỷ kinh doanh của Grab tại Việt Nam

Ảnh 6: Alejandro Osorio (2022-2024) củng cố lợi nhuận, mở rộng dịch vụ

Ông Alejandro Osorio được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam từ tháng 12/2022, trở thành "thuyền trưởng" thứ tư của Grab tại một trong những thị trường trọng điểm nhất của hãng tại Đông Nam Á. Trước đó, ông từng đảm nhiệm vai trò tương tự tại Grab Thái Lan – thị trường lớn thứ hai sau Indonesia – và ghi dấu với nhiều cải tiến về trải nghiệm người dùng và tối ưu chi phí vận hành.

Việc ông Osorio chuyển sang Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Grab toàn cầu đang bước vào giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" sau nhiều năm tăng trưởng bằng mô hình đốt tiền. Mục tiêu không còn chỉ là mở rộng quy mô mà tập trung vào tăng hiệu quả tài chính, tối ưu biên lợi nhuận và tạo đà cho bền vững lâu dài.

Theo báo cáo tài chính của Grab Holdings, năm 2023 Grab Việt Nam đạt doanh thu khoảng 185 triệu USD, và năm 2024 tiếp tục tăng lên 228 triệu USD – tương đương khoảng 5.700 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nội địa như Gojek, Be Group và làn sóng siêu ứng dụng thế hệ mới.

Thị trường Việt Nam hiện đóng góp hơn 8% tổng doanh thu khu vực Đông Nam Á của Grab. Dưới sự điều hành của ông Osorio, công ty tiếp tục tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động của các dịch vụ chính như GrabFood, GrabMart, và dịch vụ gọi xe. Đồng thời, Grab cũng có các điều chỉnh về chính sách ưu đãi và vận hành nhằm phù hợp hơn với điều kiện thị trường và hành vi người dùng sau dịch.

Ảnh 7: Ông Mã Tuấn Trọng (7/2025) làn gió mới của Grab Việt Nam

Mới đây, Grab Việt Nam phát đi thông báo, ông Mã Tuấn Trọng trở thành Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, từ ngày 1/7.

Tân Giám đốc điều hành Grab Việt Nam từng nắm vai trò chủ chốt trong thiết lập nền tảng dịch vụ giao đồ ăn cho Grab tại thị trường Việt Nam từ những ngày đầu, định hướng chiến lược và dẫn dắt dịch vụ này phát triển đến hiện tại.

Ông cũng là người thúc đẩy mảng dịch vụ giao hàng hóa, đi chợ online cùng các giải pháp thương mại đa kênh, quảng cáo và dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với sự lãnh đạo chiến lược của ông Trọng, hai mảng dịch vụ di chuyển và giao hàng của đã hỗ trợ tung ra các giải pháp bán chéo hiệu quả. Nhờ có những giá trị cộng thêm này, mức độ gắn kết của người dùng và đối tác thương nhân với nền tảng đã tăng lên. Theo ghi nhận từ Kantar và báo cáo của Momentum Works, Grab hiện là ứng dụng đặt xe số một về thương hiệu được sử dụng nhiều nhất, đồng thời dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Việt Nam.

Với năng lực chuyên môn trong việc phát triển dịch vụ mới và khả năng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, ông Trọng được đánh giá là người phù hợp để tiếp tục dẫn dắt hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam. Sự đồng hành của ông được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng cơ hội kinh tế, đóng góp vào các chiến lược quốc gia.

Ông Trọng cho biết sau khi được bổ nhiệm, ông sẽ cùng đội ngũ tiếp tục tận dụng công nghệ và quy mô hoạt động để mang lại nhiều giá trị thiết thực cho người dùng, đối tác tài xế, thương nhân, cộng đồng.

"Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để góp phần đẩy mạnh các quan hệ đối tác công - tư, từ đó giúp người dân Việt Nam có thể tiếp cận với những cơ hội tốt hơn trong nền kinh tế số", ông Trọng nói. 

Bài viết:
Thảo Vân
Thiết kế:
Hà Mĩ