Trong quý I/2025, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) ghi nhận doanh thu thuần 598 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ 2024.Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ 8,5%, đạt 400 tỷ đồng, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh 52% xuống còn 197 tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực từ các khoản chi phí khiến lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 21,6%, chỉ còn 206,9 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí tài chính tăng từ 96 tỷ lên 107 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt gần 72%, từ 32 tỷ lên 55 tỷ đồng, trong khi chi phí khác cũng bất ngờ tăng từ 2 tỷ lên 27 tỷ đồng. Các yếu tố này đã bào mòn phần lớn lợi thế của Hà Đô đến từ việc giá vốn giảm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông thừa nhận: "Chưa bao giờ Hà Đô gặp khó khăn như hiện tại". Tuy nhiên, ông khẳng định công ty sẽ nỗ lực vượt qua giai đoạn này bằng chiến lược mở rộng quy mô và tinh gọn bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả vận hành.
Tại Đại hội, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu 2.936 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.057 tỷ đồng, tăng hơn 136% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ tập trung bán hàng thu vốn tại các dự án sẵn có, tìm kiếm và phát triển thêm các dự án nhà ở thương mại tại các địa phương, tạo việc làm và doanh thu trong giai đoạn 2025–2027.
Ngoài ra, Hà Đô cũng dự kiến mở bán phần còn lại của dự án Hado Charm Villas trong tháng 5/2025, với giá bán ước tính 120 triệu đồng/m², dự kiến mang về khoảng 3.000 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh đạt được trong quý I/2025, Hà Đô đã hoàn thành 20% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm đề ra.

Nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch HĐQT Hà Đô Nguyễn Trọng Thông thừa nhận: "Chưa bao giờ Hà Đô gặp khó khăn như hiện tại".
Tổng tài sản của Hà Đô tính đến cuối quý I/2025 đạt 13.868 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 332 tỷ lên 503,9 tỷ đồng, hàng tồn kho đi ngang so với đầu kỳ ở mức 861 tỷ đồng.
Nợ phải trả giảm từ 6.473 tỷ còn 6.286 tỷ đồng, chủ yếu do nợ vay dài hạn giảm từ 4.253 tỷ xuống 4.052 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn tăng nhẹ lên 731 tỷ đồng.