Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba

Việc nuôi thành công loài vật này tiếp tục trở thành điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Cuba.
Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba- Ảnh 1.

Trong suốt quá trình triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao, nhóm chuyên gia Việt Nam với 4 kỹ sư giàu kinh nghiệm đã đồng hành cùng các kỹ thuật viên Cuba. Ảnh: TTXVN

Loài vật tỷ USD này là tôm .

Trong thời gian vừa qua, một mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao của Việt Nam đã và đang được ứng dụng thành công tại tỉnh Camagüey, Cuba. Thành công này không chỉ góp phần nâng cao năng suất thủy sản mà còn giúp mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành thủy sản của Cuba.

Theo TTXVN, ngay từ năm 2024, chu kỳ sản xuất đầu tiên đã ghi nhận được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, chỉ sau 121 ngày, 5 hồ nuôi tôm thí điểm ở khu vực Santa Cruz del Sur (thuộc tỉnh miền Trung Camagüey) đã thu hoạch được 20 tấn tôm, đạt năng suất 4 tấn/ha. Đây được coi là con số đáng khích lệ trong bối cảnh ngành thủy sản của Cuba vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Được biết, trong suốt quá trình triển khai dự án, đoàn chuyên gia Việt Nam với 4 kỹ sư giàu kinh nghiệm đã luôn đồng hành cùng với kỹ thuật viên của Cuba.

Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba- Ảnh 2.

Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao của Việt Nam bước đầu đã ghi nhận thành công ở Cuba chỉ sau hơn 120 ngày. Ảnh: TTXVN

Sau thành công ban đầu, đoàn chuyên gia của Việt Nam và Cuba đang tích cực mở rộng quy mô dự án này lên 10 ha tại Camagüey, với kỳ vọng sẽ đạt sản lượng 45 tấn trong nửa cuối năm 2025. Một trong những điểm ấn tượng nhất của dự án này là công nghệ nuôi tôm tiên tiến của Việt Nam hiện đang được áp dụng toàn diện ở Cuba. Công nghệ này bao gồm hệ thống máy sục khí, lọc nước hiện đại và quy trình chăm sóc bằng thức ăn chất lượng cao.

Ông Miguel Antonio Manso Díaz, Trưởng bộ phận sản xuất thuộc Đơn vị Cơ sở Cultisur, Santa Cruz del Sur, cho biết: "Chu kỳ sản xuất thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 4 với diện tích 5 ha. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng 10/30 hồ nuôi, với mật độ thả 100 con/ m², hướng tới năng suất 900 - 1.000 kg/ ha".

Nhân rộng mô hình nuôi tôm của Việt Nam ở Cuba

Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba- Ảnh 3.

Một loại tôm hùm được nuôi ở Cuba. Ảnh: TTXVN

Ngoài Camagüey, mô hình hợp tác nuôi tôm giữa hai nước đang được nhân rộng tại các tỉnh trọng điểm ở Cuba, chẳng hạn như Villa Clara (miền Trung) và Pinar del Río (miền Tây). Việc này giúp mang lại hiệu quả thiết thực trong bối cảnh Cuba nỗ lực vượt qua những khó khăn vì cấm vận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án này giúp nâng cao năng suất nuôi trồng, đồng thời tạo cơ hội chuyển giao công nghệ toàn diện, từ kỹ thuật nuôi trồng đến quản lý sản xuất.

Ban đầu, thách thức của dự án là khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ. Tuy nhiên, sau khi đi vào thực tiễn, thách thức lớn nhất của dự án bây giờ là làm thế nào để nhân rộng mô hình nuôi tôm này trong điều kiện hạn chế về nguồn lực.

Trên thực tế, các chuyên gia của hai nước đã cùng ăn, cùng ở, cùng ở trong nhiều tháng qua. Thậm chí, ngoài những lớp tập huấn "cầm tay chỉ việc", các chuyên gia còn có nhiều đêm thức trắng để điều chỉnh hệ thống, cùng nhau thử nghiệm thức ăn mới… Tất cả những nỗ lực này đã góp phần tạo nên thành công của dự án hợp tác giữa hai nước.

Dự án mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao của Việt Nam ở Cuba không chỉ giúp giải quyết vấn đề về an ninh lương thực mà đồng thời còn tạo tiền đề để quốc gia này thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở Cuba.

Xuất khẩu tôm mang về nhiều tỷ USD cho Việt Nam

Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba- Ảnh 4.

Nuôi tôm đang đóng góp lớn vào kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa

Nuôi tôm hiện được coi là một lĩnh vực trọng điểm của ngành thủy sản Việt Nam khi đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2024, nước ta có trên 749.000 ha tôm nước lợ, với sản lượng đạt 1,29 triệu tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt hơn 951.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 3,95 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng này đến từ nhiều nhóm mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và nhuyễn thể. Trong số đó, tôm ghi nhận mức phục hồi ấn tượng, với kim ngạch đạt 1,27 tỷ USD, tăng 30% nhờ giá cả dần ổn định và cầu thị trường tăng ở một số khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản.

Chỉ sau hơn 120 ngày, loài vật tỷ USD của Việt Nam trở thành hiện tượng mới ở Cuba- Ảnh 5.

Tôm là một trong những mặt hàng mang lại nhiều tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong năm 2025, Việt Nam đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 1 triệu tấn) và kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,3 tỷ USD.